Gỉ sắt hoa hồng Update 04/2024

Ad by CNCT
Tên khoa học:
Phragmidium mucronatum (Pers.) Scholecht.

1. Triệu chứng bệnh

gỉ sắt hồng

– Bệnh hại trên lá, cành non, hoa quả. Ban đầu vết bệnh nhỏ như mũi kim, hơi vàng, sau đó thành ổ nổi như những chấm nhỏ màu vàng cam hoặc màu nâu đỏ gỉ sắt, phiến lá vàng úa, dễ rụng.

– Các chấm nhỏ nổi phần lớn ở mặt dưới của lá, còn ở mặt trên của lá tương ứng là các đốm nhỏ hơi vàng. Vào thời kỳ cuối đông, trên các ổ gỉ sắt có thể thấy những chấm nhỏ màu nâu đen sẫm đó là các ổ bào tử đông của nấm gây bệnh.

2. Nguyên nhân gây bệnh và đặc điểm phát sinh phát triển bệnh

hình ảnh nấm gây bệnh gỉ sắt hồng

– Nấm gây bệnh là nấm gỉ sắt (Phragmidium mucronatum (Pers.) Scholecht.).

– Ổ bào tử màu vàng nâu gỉ sắt là giai đoạn hình thành bào tử hạ. Bào tử hạ hình hơi tròn, màu vàng da cam, có gai nhỏ.

– Ổ bào tử đen là giai đoạn bào tử đông. Bào tử đông hình thành vào cuối giai đoạn sinh trưởng trên lá già. Bào tử đông có hình trụ thon dài, trên đỉnh có múp lồi, có nhiều ngăn ngang (5 – 6 ngăn) màu nâu đậm, có cuống dài phình rộng ở gốc cuống.

– Bào tử hạ sinh sản nhiều đợt trong giai đoạn sinh trưởng của cây, truyền lan nhờ gió và nước mưa để tiến hành tái xâm nhiễm nhiều đợt trên cây.

– Bào tử đông: Được sinh ra vào cuối thời kỳ sinh trưởng của cây. Chủ yếu là để bảo tồn nguồn bệnh lâu dài từ năm này qua năm khác. Khi bào tử đông nảy mầm sinh ra đảm và bào tử đảm. Nấm phát triển tốt ở điều kiện nhiệt độ 19 – 27 độ.

– Thời tiết ấm áp, mưa nhiều rất thuận lợi cho bệnh gỉ sắt gây hại.

Bệnh thường phát triển từ tháng 3 đến tháng 6 song bệnh hại nặng nhất vào tháng 4 đến tháng 5.

3. Biện pháp phòng trừ

– Thường xuyên cắt tỉa cành, lá bệnh, dọn vệ sinh đồng ruộng, chú ý bón thêm phân kali, canxi, lân.

– Trong trường hợp cần thiết có thể phun phòng trừ bệnh bằng 1 số loại thuốc sau:

Tilt 300ND (0,2%), Score 300 ND (0,1%), Bavistin 50FL (0,1%),…