Tìm hiểu nhu cầu dinh dưỡng của cây hoa lan Update 04/2024

Tìm hiểu nhu cầu dinh dưỡng của cây hoa lan

1. Nhu cầu dinh dưỡng của cây hoa lan

Cây hoa lan (còn gọi là phong lan) gồm nhiều loài, trong đó có những loài ưa khí hậu nóng (điển hình là loài đăng lan Dendrobium), loài ưa lạnh (loài địa lan Cymbidium), loài ưa nhiệt độ trung bình (loài Cát lan Cattleya, Vân lan Vanda). Do có nhiều loài thích ứng với các điều kiện khí hậu khác nhau nên ở nước ta đâu cũng trồng được lan.

Cây hoa lan có thể trồng trên đất hay trên giá thể (nền hữu cơ xốp). Dù trồng trên đất hay giá thể cũng cần đầy đủ các chất dinh dưỡng NPK và trung – vi lượng.

– Đạm cần cho sự tăng trưởng thân lá, chủ yếu ở giai đoạn cây con và nảy chồi sau khi thu hoạch hoa. Thiếu đạm cây sinh trưởng chậm, còi cọc, số lá và chơi ít, lá nhỏ và vàng dần từ lá già đến lá non.

– Lân cần cho sự phát triển của bộ rễ và phân hóa mầm hoa, chủ yếu ở giai đoạn cây lớn sắp ra hoa. Đủ lân cây ra hoa sớm, nhiều hoa và hoa to thiếu lân rễ kém phát triển, cây nhỏ lá nhỏ và có màu xanh xỉn, đôi khi có sọc tía trên bẹ và phiến lá, chậm ra hoa, hoa nhỏ.

– Kali giúp hoa nở đều, màu sắc hoa tươi tắn và lâu tàn. Kali còn giúp cây tăng sức chống bệnh. Cây lan cần kali ở giai đoạn ra hoa. Thiếu kali cây thấp bé, mép lá chuyển vàng và khô từ lá già đến lá non, hoa kém tươi và mau tàn, dễ bị bệnh hại, tỉ lệ đậu trái thấp, sức nảy mầm của hạt kém.

– Canxi cần cho sự phát triển của rễ. Thiếu canxi rễ phát triển kém, cây yếu, dễ đỗ ngã.

– Magie cần cho sự tạo thành chất diệp lục và quang hợp của lá. Thiếu Magie lá già chuyển màu bạc trắng do không tạo thành chất diệp lục.

– Lưu huỳnh: Thiếu lưu huỳnh cây cằn cỗi, ốm yếu, lá non chuyển vàng.

– Kẽm: Thiếu kẽm các đốt ngọn ngắn lại, bản lá hẹp và nhọn, lá non mọc sít nhau, rễ kém phát triển.

– Sắt: Thiếu sắt lá nhỏ, chuyển màu vàng thau đến bạc trắng

– Đồng: Thiếu đồng xuất hiện các dốm trắng trên đỉnh và mép lá, lá mềm yếu, chuyển dần sang màu xanh nhạt rồi khô héo. Thiếu đồng thường kèm theo hiện tượng nảy chồi nhiều ở gốc nhưng chồi non sẽ chết dần.

– Mangan: Thiếu mangan lá non xanh nhưng kém bóng, sau xuất hiện các vật vàng thau nối nhau chạy dọc theo phiến lá.

2. Hướng dẫn bón phân cho cây hoa lan

Cây hoa lan cũng cần đầy đủ chất đa lượng NPK và các chất trung – vi lượng. Mỗi chất đều có vai trò nhất định trong quá trình sinh trưởng phát triển của cây, nếu thiếu đều có thể làm lan sinh trưởng kém, hoa ít và nhỏ, xấu. Cây lan trồng trên giá thể là than, xơ dừa, dớn, vỏ đậu phộng cũng không cung cấp đủ chất dinh dưỡng trong điều kiện trồng để khai thác hoa.

2.1. Đối với Lan con sau nuôi cấy mô

Thời kỳ này cây cần nhiều đạm để tăng trưởng thân lá và rễ. Dùng phân NPK 30-10-10 (Đầu trâu 005) pha 1-2gr trong 4 lít nước tưới định kỳ 2 – 3 ngày 1 lần. Tốt nhất là cứ 3-4 lần tưới NPK 30-10-10 thì xen kẽ tưới 1 lẫn bằng phân NPK 15-30-15 (Đầu trâu 007) để cung cấp thêm chất lân cho cây.

2.2. Đối với lan nhỡ

Là lan cấy mô sau khi đã lớn hoặc lan trồng bằng cây tách chiết khi chưa có hoa cũng dùng phân NPK 30- 10-10 pha 1-2gr trong 4 lít nước tưới định kỳ 4 – 5 ngày 1 lần, sau 3 – 4 lần tưới bằng NPK 30-10-10 thì tưới xen kẽ 1 lần bằng NPK 20-20-20 (Đầu trâu 009) để thúc đẩy tăng trưởng thân lá, rễ và nảy

chồi nhiều.

2.3. Đối với lan trưởng thành

Là lan lớn đã ra hoa. Tùy theo giai đoạn sinh trưởng mà dùng loại phân thích hợp.

– Ở giai đoạn hoa đã tàn hoặc vừa thu hoạch xong dùng phân NPK 30-10-10 hoặc NPK 30-15-10 (Đầu trâu 501) để thúc đẩy tăng trưởng thân lá.

– Ở giai đoạn trước khi ra hoa dùng phân NPK 15-30-15 hoặc NPK 15-30-20 (Đầu trâu 701) để kích thích ra hoa, hoa to và đẹp.

– Ở giai đoạn hoa đã nở dùng phân NPK 20-20-20 hoặc NPK 15-20-25 (Đầu trâu 901) đễ màu sắc hoa đẹp và lân tàn.

Ngoài chất dinh dưỡng, các giống lan yêu cầu những điều kiện về nhiệt độ, ánh sáng và độ ẩm thích hợp riêng cần chú ý để cây sinh trường tốt, ra hoa nhiều và đẹp.