Kỹ thuật trồng cây hồng xiêm xoài sai quả Update 05/2024

1. Một số đặc điểm của cây hồng xiêm xoài

– Cây có nguồn gốc từ Mexico. Được trồng ở cả 2 miền nước ta, miền nam còn gọi hồng xiêm xoài là saboche.

– Qủa hồng xiêm xoài to, vỏ mỏng có màu sáng mịn hoặc màu vàng nhạt, khi chín thịt quả mềm có màu nâu nhạt, hương vị ngon ngọt, có mùi thơm nên được nhiều người ưa chuộng.

2. Tiêu chuẩn chọn giống hồng xiêm xoài

– Cây hồng xiêm xoài có thể trồng từ hạt, từ cây ghép hoặc cây chiết. Tuy nhiên để có giống cây tốt thì nên chọn những cây có nguồn gốc địa chỉ rõ ràng, uy tín.

– Hiện nay, cây hồng xiêm được trồng chủ yếu bằng phương pháp cây ghép. Vì phương pháp này cho cây con giống mang đầy đủ đặc điểm nguồn gen cúa mẹ nên cây có thuổi thọ cao, nhanh ra quả, quả to đều, năng suất cao.

– Tiêu chuẩn của cây giống: Cây sinh trưởng phát triển khỏe mạnh, không bị sâu bệnh, cây đạt chiều cao từ 50-60cm, đường kính thân từ 1-2cm.

3. Hồng xiêm xoài nên trồng vào thời điểm nào trong năm?

– Cây hồng xiêm xoài có thể trồng quanh năm nhưng trồng đúng vụ cây sẽ sinh trưởng, phát triển và cho năng suất cao hơn. Miền bắc thời vụ thích hợp trồng vào tháng 2, tháng 3 âm lịch. Miền nam trồng vào tháng đầu mùa mưa khoảng tháng 4, tháng 5 dương lịch.

4. Kỹ thuật làm đất và đào hố trồng hồng xiêm xoài

– Cây hồng xiêm xoài phát triển tốt trên đất phù sa, đất thịt nhẹ, đát thoát nước tốt.

– Trước khi trồng cây nên dọn dẹp tàn dư, dọn cỏ dại, cày bừa đất kỹ.

– Đào hố trồng và bón lót:

– Kích thước hố: 60x60x60cm

– Lượng bón 1 gốc: 10kg phân chuồng hoai mục+1kg supe lân+ 100g ure+ 2kg NPK. Phân bón được trộn đều cho vào hốc sau đó lấp kín đất đến khi đầy hố.

5. Kỹ thuật trồng cây hồng xiêm xoài

– Nên trồng vào những ngày trời mát hoặc đất đủ ẩm. Dùng dao nhọn rạch bỏ túi bầu nilong tránh làm vỡ bầu, đào 1 hố nhỏ giữa hố trồng, sau đó đặt cây vào hố, lấp đất vừa bằng cổ rễ hoặc cao hơn 2-3cm và nén chặt. Khi trồng xong phải tưới nước ngay để tránh cây bị mất nước và dùng cỏ mục ủ gốc (lưu ý phải cách gốc10-15cm để tránh sâu bệnh). Vì tán cây rộng, nếu trồng nhiều phải lưu ý đến khoảng cách hàng 7-10m, khoảng cách cây từ 6-8m.

6. Kỹ thuật bón phân cho cây hồng xiêm xoài

– Lượng bón hàng năm/gốc: Mỗi năm cây cần được bổ sung với lượng dinh dưỡng: 0,6-1kg ure+ 1kg supe lân+ 0,6-1kg kali clorua

– Thời kỳ cây ra nhiều quả: Cần bổ sung thêm phân chuồng với lượng 20-50kg/cây, cây 2-3 tuổi thì bón tập trung 1 lần.

– Cách bón:

+ Vào những ngày đất ẩm rải đều phân lên bề mặt đất theo hình chiếu của tán lá sau đó tưới nước sẽ giúp phân được hòa tan.

+ Vào những ngày đất khô, phân cần được hòa ta sau đó tưới xung quanh hình chiếu của tán lá.

+ Đối với phân chuồng và supe lân, đào rãnh sâu 30cm theo hình chiếu tán, bón phân xong thì lấp kín đất lại.

7. Kỹ thuật chăm sóc cho cây hồng xiêm xoài

– Lượng nước cần cung cấp cho cây: Hồng xiêm xoài là cây ưa ẩm, cần cung cấp đủ lượng nước tưới cho cây đặc biệt là vào mùa khô, khi trái đang trong giai đoạn phát triển và thời điểm quả sắp chín.

– Phòng trừ cỏ dại: Dọn sạch cỏ dại vụ xuân tháng 1 đến tháng 2, vụ thu từ tháng 8 đến tháng 9, xới sạch toàn bộ diện tích một lần/ vụ, mỗi năm xới gốc 1-2 lần. Tận dụng phủ gốc bằng cây cỏ, rác, cây xanh giúp hạn chế cỏ dại tấn công, xới phá váng sau mỗi trận mưa to.

– Kỹ thuật cắt tỉa, tạo tán cây

+ Sau khi trồng cần phủ gốc và tưới ẩm gốc cho tới khi cây ra lá ổn định. Vùng có gió bão nên cắm cọc và buộc chặt cây để gốc cây không bị lay khi còn nhỏ. Khi cây cao lên 60-80cm tiến hành bấm ngọn để cây phát sinh cành bên. Hàng năm cần tiến hành cắt tỉa cành tăm, cành bị bệnh nên tỉa cành vào thời điểm sau thu hoạch quả và vào những ngày nắng nóng để tránh lây lan bệnh.

+ Nếu muốn cây hồng xiêm tán thấp thì những năm đầu tiên nên tỉa bớt ngọn, cắt những cành thấp mọc ở dưới, cành nhiều sâu bệnh giúp cây được thông thoáng và đỡ tiêu hao dinh dưỡng.

+ Khi cây hồng xiêm đã già, chất lượng quả thấp, quả nhỏ tiến hành cắt bỏ những cành già, thời điểm cắt cành già nên thực hiện ngay sau khi thu hoạch qủa. Sau đó cây sẽ phát triển mọc lại cành mới, sau 1-2 năm cây sẽ phục hồi và cho quả to trở lại.

8. Biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại cho cây hồng xiêm xoài

– Hồng xiêm xoài là cây ăn quả ít bị sâu bệnh, để đảm bảo cho cây sinh trưởng phát triển tốt cần lưu ý đến một số loại sâu bệnh sau: nấm, rệp, sâu đục thân, ruồi đục quả, bệnh đốm trên thân và cành lớn, bệnh đốm lá gây hại trên phần lá và quả.

– Ngoài ra có thể quét vôi vào gốc cây và các cành lớn để phòng ngừa sâu bệnh hại tấn công.

9. Thu hoạch và bảo quản hồng xiêm xoài

– Miền Bắc: sau 8-10 tháng từ khi cây nở hoa thì quả mới chín. Tiêu chuẩn xác định độ già thu hái quả: hồng xiêm già thường căng tròn, lớp phấn nâu xám bên ngoài quả rạn nứt, bong ra và vỏ quả chuyển sang màu xanh vàng và nhẵn, cuống nhỏ lại, tai vểnh lên, khi thu hái thì mủ chảy ra ở cuống quả ít hoặc không có. Thời gian thu hái quả từng đơt là 1-2 tuần/ lần.

– Sau khi thu hoạch nên phân loại quả rồi mới đem đi rấm. Tiến hành ngâm quả trong nước 30 phút hoặc có thể ngâm trong nước vôi trong sau đó lấy giẻ lau ướt sạch phấn ở vỏ quả và nhựa ở cuống quả rồi mang ra hong nắng nhẹ cho quả khô ráo nước. Chuẩn bị thùng xốp trải 1 lớp rơm xuống thùng xốp sau đó xếp hồng xiêm xoài xung quanh tạo hình lõm ở giữa, đốt hương cho vào và đậy nắp kín. Mùa hè sau 2 ngày thì hồng xiêm xoài sẽ chín. Mùa đông thời gian hồng xiêm chín là 4-5 ngày.

Xem thêm>>Cách thu hoạch và giấm quả hồng xiêm thơm ngon như chín cây

Mong rằng các thông tin trên hữu ích đối với bạn đọc! chúc bạn đọc sớm cho những vườn hồng xiêm xoài sai quả, thơm ngon!