Bệnh héo xanh vi khuẩn ở cây thuốc lá Update 04/2024

Ad by CNCT
Tên khoa học:
Ralstonia solanacearum Smith

1.Nguyên nhân

Bệnh héo xanh vi khuẩn Ralstonia solanacearum Smith, Pseudomonas solanacearum.

Bệnh rất phổ biến và gây hại khá nghiêm trọng trên thuốc lá ở các vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới, đặc biệt ở nước ta.

2. Đặc điểm phát sinh phát triển

Đối với cây thuốc lá, vi khuẩn có thể gây bệnh trong bất kì giai đoạn sinh trưởng nào, nhưng thông thường bệnh xuất hiện ở giai đoạn sau khi trồng cây giống ra ruộng 15 – 30 ngày trở đi. Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện nóng ẩm, nhiệt độ thích hợp 28 – 30°C, tối thiểu 10°C, tối đa 41°C kèm theo ẩm độ không khí cao, đặc biệt có mưa, gió, sương và trên đất cát pha, thịt nhẹ.

Vi khuẩn bảo tồn tính gây bệnh lâu dài ở trong đất (1 – 2 năm) và trên tàn dư cây bệnh (7 tháng – 1 năm) trên đồng ruộng sau thu hoạch. Trong đất ẩm vi khuẩn bảo tồn lâu dài, nhưng trong đất khô, phơi ải vi khuẩn chết nhanh hơn.

Theo Nakata (1927), vi khuẩn có thể nhiễm bệnh ở hạt giống thuốc lá nhưng chỉ bảo tồn được vài ba ngày. Như vậy hạt giống thuốc lá không có ý nghĩa truyền bệnh cho vụ sau. Các giống thuốc lá hiện đang trồng phổ biến ở nước ta (vùng Bắc Giang, Ba Vì, Sóc Sơn, Tây Ninh) đều nhiễm bệnh ở các vụ thuốc lá xuân và thuốc lá thu (giống C.176 và K326).

Bệnh càng nặng nếu trồng độc canh hoặc kế tiếp với các loài cây trồng cạn là những cây ký chủ của bệnh và trên đất nhẹ có nhiễm nhiều tuyến trùng. Tuyến trùng nốt sưng (Meloidogyne spp.) vừa có tác dụng gây vết thương ở rễ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhiễm gây bệnh, vừa có khả năng trực tiếp gây bệnh nốt sưng làm cho cây nhiễm bệnh hỗn hợp, chết nhanh, tỷ lệ bệnh cao có khi lên tới 100%.

Vi khuẩn lan truyền chủ yếu nhờ nước tưới, mưa, gió, xâm nhập qua vết thương cơ giới, phát triển sinh sản và sản sinh độc tố ở trong hệ thống mạch dẫn ở thân, làm vít tắc mạch dẫn vận chuyển nước và chất dinh dưỡng, làm nâu đen mạch dẫn do tác động của enzym tirozinaza.

Khi cắt ngang thân cây bệnh, ngâm đoạn cắt vào nước có thể nhìn thấy dịch vi khuẩn trắng nhầy đùn ra từ các bó mạch dẫn nâu đen. Đây là phương pháp chẩn đoán nhanh bệnh héo xanh vi khuẩn do Pseudomonas solanacearum gây ra (xem bệnh héo xanh vi khuẩn hại khoai tây).

3. Biện pháp phòng trừ

– Chọn Giống Kháng Bệnh: Sử dụng các giống cây trồng đã được cải tiến để có khả năng kháng bệnh tốt hơn.

– Quản lý Nông học:

Luân canh cây trồng: Thay đổi loại cây trồng theo từng mùa hoặc năm để tránh việc vi khuẩn tích tụ trong đất.

Trồng cây cách xa nhau: Giảm mật độ trồng để hạn chế sự lây lan của bệnh.

– Vệ Sinh Nông Nghiệp:

Loại bỏ cây bệnh và phần cây bị nhiễm bệnh: Đốt hoặc chôn lấp cây bệnh và phần cây bị nhiễm để hạn chế sự lây lan.

Sát trùng dụng cụ nông nghiệp: Đảm bảo dụng cụ làm vườn sạch sẽ và được sát trùng thường xuyên.

– Sử dụng Biện Pháp Sinh Học: Sử dụng vi sinh vật có ích: Áp dụng các loại vi sinh vật có ích để kiểm soát vi khuẩn gây bệnh.

– Ứng dụng phương pháp cấy ghép: Cấy ghép cây trên gốc chịu đựng bệnh tốt.

– Hạn Chế Sử Dụng Nước Tưới Quá Nhiều: Điều chỉnh lượng nước tưới phù hợp để tránh tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.

– Sử dụng Thuốc Bảo Vệ Thực Vật: Khi cần thiết, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có hiệu quả đối với vi khuẩn gây bệnh, nhưng cần lưu ý đến liều lượng và thời gian sử dụng để tránh ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người.