Bệnh đen thân cây thuốc lá Update 04/2024

Ad by CNCT
Tên khoa học:
Phytophthora parasitica var. nicotianae

1. Bệnh đen thân

Phytophthora parasitica var. nicotianae (Breda de Haan) Tuckeil

Bệch đen thân gây nhiều tác hại ở các nước trồng thuốc lá: Ấn Độ, Nhật Bản Inđônêsia, Việt Nam, Bungari, Rumani và nhiều nước ở châu Âu, châu Mỹ.

Bệnh có thể phá hại trong tất cả các thời kỳ sinh trưởng của cây chủ yếu ở các bộ phận gốc, rễ, thân làm chết khô cây con vườn ươm, làm toàn cây khô héo chết ở ruộng sản xuất.

2. Triệu chứng

Thời kỳ cây con, vết bệnh lúc đầu là một điểm nhỏ màu nâu hoặc màu đen ở rễ, gốc thân. Sau đó vết bệnh lan lên phía trên làm hại thân lá và lan xuống dưới hại rễ chính, gây thối rễ. Khi cắt gốc thân thấy lõi biến thành màu nâu đen, có nhiều tầng rỗng. Gốc cây bệnh teo nhỏ lại, cây đổ gục. Gặp trời mưa, độ ẩm cao, toàn cây bị thối chết, bề mặt mô bệnh thường có lớp nấm màu trắng. Trời khô hanh cây bệnh nâu đen khô chết.

Ở thời kỳ cây lớn, trên gốc thân có vết màu đen kéo dài về hai phía trên và dưới. Kích thước vết bệnh có thể dài tới 20 – 30 cm. Bổ dọc gốc thân thấy lõi có màu nâu đen và nhiều tầng rỗng. Rễ tơ và rễ chính bị thối mục, rất dễ nhổ. Cây bệnh lá vàng héo rũ và chết khô.

Trên lá vết bệnh hình tròn hoặc hình bất định, màu nâu xanh hoặc nâu đen, đường kính có thể đạt tới 3 – 4 cm. Khi trời khô hanh giữa vết bệnh thường bị rách nứt tạo các lỗ thủng trên lá.

3. Nguyên nhân gây bệnh

Nấm gây bệnh Phytophthora parasitica var. nicotianae thuộc bộ Peronosporales, lớp nấm trứng. Sợi nấm không vách ngăn, không màu, phân nhánh, đường kính khoảng 5µm.

Cành bào tử phân sinh không màu, đơn bào, mọc từ mô bệnh riêng rẽ hay thành từng cụm 2 – 3 cành. Bào tử hình trứng hoặc hình quả muỗm, trên đỉnh có núm lồi, kích thước 35 x 28 µm, không màu, bên trong có kết cấu dạng hạt. Khi gặp nhiệt độ thấp và điều kiện giọt nước bào tử sẽ nảy mầm tiếp tạo ra 10 – 20 bào tử động. Bào tử động hình bầu dục, có 2 lông roi, dễ dàng di chuyển ở trong nước. Nếu gặp điều kiện độ ẩm thấp, nhiệt độ cao hơn bào tử nảy mầm trực tiếp thành ống mầm để xâm nhiễm.

Nấm có thể hình thành bào tử trứng và bào tử hậu trong mô tế bào ký chủ. Bào tử trứng hình cầu màu vàng, màng dầy. Khi nảy mầm hình thành ống mầm hoặc bào tử động. Bào tử hậu hình cầu, hình tròn màu nâu nhạt. Khi nảy mầm tạo ống mầm và phát triển thành sợi nấm.

Nấm có thể phát triển trong phạm vi nhiệt độ từ 2 – 36°C. Thích ứng với pH 4,4 – 9,6 nhưng thích nhất pH 7 – 8.

4. Đặc điểm phát sinh phát triển

Nguồn bệnh tồn tại trên đồng ruộng là dạng bào tử hậu và sợi nấm nằm ở tàn dư cây bệnh rơi rụng trên mặt đất. Nấm có thể tồn tại trong đất có tàn dư ký chủ tới 2 năm. Vì vậy đất, phân chuồng có tàn dư cây bệnh là nguồn bệnh chủ yếu trên đồng ruộng.

Bệnh phát triển thuận lợi ở điều kiện có nhiệt độ và độ ẩm cao. Nhiệt độ thích hợp cho sự phát triển của bệnh là 26 – 30°C, ở nhiệt độ không khí 20°C trở xuống bệnh phát triển chậm. Vườn ươm, vườn trồng gặp mưa nhiều hoặc quá ẩm ướt bệnh phá hại nặng.

Sự phát triển của bệnh còn phụ thuộc vào các yếu tố đất đai, phân bón, mật độ trồng, v.v… Đất cát thoát nước bệnh nhẹ hơn đất sét, đất thịt. Ngoài ra tuyến trùng hại rễ cây đã mở đường cho nấm bệnh xâm nhiễm thuận lợi. Đặc biệt vào lúc nhổ cây con đem trồng nếu đất có tuyến trùng có thể làm cây con nhiễm bệnh tới 100%.

5. Biện pháp phòng trừ

Thực hiện luân canh với lúa nước hoặc cây họ hoà thảo.

– Xây dựng hệ thống thoát nước tốt ở vườn ươm và vườn trồng, vun luống cao tránh ruộng bị ứ đọng nước.

– Khử trùng đất vườn ươm. Chăm sóc cây con, bón phân khoáng cân đối, tưới nước sạch và không tạo vết thương trong quá trình chăm sóc.

– Vệ sinh đồng ruộng ngay sau khi thu hoạch: tiêu huỷ, đốt hoặc chôn sâu cây bị bệnh

– Gieo trồng các giống thuốc lá chống bệnh.

– Phun thuốc phòng trừ kịp thời khi thấy bệnh xuất hiện. Phun ở vườn ươm và ở ruộng trồng khi bệnh chớm phát sinh. Có thể dùng một trong các loại thuốc sau: Aliette 80WP (0,3%); Zineb 80WP (0,2 – 0,3%) hoặc Manep (Dithan M.) 80WP (0,2 – 0,3%); Antracol 70WP (0,2 – 0,4%); Rhidomil MZ 72 WP 0,2% (3 kg/ha).