Bệnh đốm khô lá hành tây Update 04/2024

Ad by CNCT
Tên khoa học:
Stemphylium botryosum W

Bệnh đốm khô là một trong những bệnh hại nghiêm trọng, phổ biến ở các nước trồng hành tây châu Á và ở nước ta.

Bệnh được ghi nhận từ năm 1978, gây hại trên hành tây, hành ta, tỏi… ở vùng Bắc Ninh, Mê Linh (Vĩnh Phúc), Tứ Kỳ, Gia Lộc (Hải Dương) và các vùng trồng hành khác.

Hàng năm bệnh gây hại khá nghiêm trọng, đặc biệt giai đoạn hình thành củ (cuối tháng 11 đến tháng 2) đến khi thu hoạch, bệnh có thể làm giảm năng suất trung bình từ 15 – 25%.

1. Triệu chứng

Bệnh thường xuất hiện vào cuối tháng 11, đầu tháng 12 khi hành tây hình thành củ. Bệnh chỉ gây hại trên lá, vết bệnh đầu tiên xuất hiện ở phần giữa lá bánh tẻ, trên các vết nổ tự nhiên của lá hành. Nấm xâm nhập và lan rộng kéo dài theo thân lá tạo thành vết bệnh hình bầu dục dài, màu thâm đen, vàng trên nền xám trắng, sau 5 – 7 ngày thân hành gãy gục ở giữa và khô lại. Chiều dài vết bệnh có thể kéo dài từ 10 – 30 cm. Khi trời bệnh, ẩm, có sương mù thì trên bề mặt vết bệnh xuất hiện một lớp nấm màu đen.

2. Nguyên nhân gây bệnh

Bệnh đốm khô lá hành tây do nấm Stemphylium botryosum W. gây ra, bộ Moniliales lớp nấm bất toàn.

Sợi nấm đa bào hình trụ, phân nhánh nhiều, màu vàng đậm đến màu nâu nhạt. Đường kính sợi nấm trung bình từ 2-9 µm. Cành bào tử phân sinh đa bào có dạng hình trụ ngắn, hơi gãy khúc màu nâu nhạt kích thước 2-3 x 6-7 µm. Trên đỉnh cành đa bào hình thành từ 2-3 bào tử phân sinh. Bào tử phân sinh hình củ lạc, hay hình hạt đậu không bào, đa bào, có từ 8-13 vách ngăn, ngăn dọc, ngăn xiên, chia bào tử thành 9-14 tế bào. Bào tử có màu nâu đậm hơn cành bào tử và sợi nấm. Vách tế bào dày và có màu nâu đậm. Bào tử nảy mầm tạo ra ống mầm.

Nấm S. botryosum phát triển thuận lợi trên môi trường nhân tạo PDA, MA,…Tản nấm xốp màu trắng sau chuyển sang màu nâu, nâu đen, hình thành nhiều bào tử. Nhiệt độ thích hợp nhất đối với nấm sinh trưởng phát triển là 20-23°C, tuy nhiên nấm có thể tồn tại và phát triển ở ngưỡng nhiệt độ khá rộng từ 5 – 33°C.

Nấm gây bệnh là loài đa thực, ký sinh trên 20 loại cây trồng khác nhau như hành tây, tỏi tây, hành ta, súp lơ, cà chua, khoai tây, cỏ medicago, v.v…

3. Đặc điểm phát sinh phát triển

Bào tử phân sinh lan truyền nhờ gió, bào tử nảy mầm xâm nhiễm thuận lợi vào các lá non, lá ngọn. Bệnh phát triển trên đồng ruộng phụ thuộc vào tuổi cây, thường phát triển mạnh vào giai đoạn hình thành củ đến khi thu hoạch. Trong điều kiện trời âm u, có sương mù nhẹ, nhiệt độ trung bình 22 – 25 °C thì bệnh phát triển mạnh.

Các giống hành ta, tỏi ta, cây kiệu, hành hoa ít nhiễm bệnh hơn so với các giống hành tây nhập nội và giống tỏi Trung Quốc. Khi trồng hành tây với mật độ dầy, bón đạm nhiều, lá có nhiều vết nổ thì nhiễm bệnh đốm khô nặng.

4. Biện pháp phòng trừ

– Thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật canh tác như lựa chọn thời vụ thích hợp, cây con khoẻ, mật độ vừa phải, tưới nước, bón phân hợp lý.

 – Thường xuyên chăm sóc, ngắt tỉa sớm những lá hành tay bị bệnh hoặc các lá bị khô đầu để tránh cho nấm xâm nhiễm.

 – Sử dụng một số thuốc hoá học: Rovral 50WP, Score 250EC, Daconil 50EC,… để  phun phòng trừ bệnh đốm khô mới xuất hiện cho đến trước khi thu hoạch, có thể phun từ 3-4 lần.