Bệnh lở cổ rễ và cháy lá cây bông Update 04/2024

Ad by CNCT
Tên khoa học:
Rhizoctonia solani Kuhn

Bệnh hại phổ biến ở khắp các vùng trồng bông trên thế giới và trong nước.

Bệnh làm thối cổ rễ, chết cây con hàng loạt, có khi phải gieo lại toàn bộ hoặc tạo vết đốm vằn làm cháy lá cây bông lớn ở giai đoạn hoa, quả.

1. Triệu chứng

Hạt bông mới nảy mầm có thể bị bệnh ngay làm mầm chết không nhú lên được Thời kỳ dễ bị nhiễm bệnh nhất là giai đoạn cây con có lá sò và 2 – 3 lá thật.

Ở gốc thân sát mặt đất vết bệnh lúc đầu chỉ là những chấm nhỏ màu đen hoặc màu nâu vàng, sau đó lan rộng ra bốn phía làm toàn bộ cổ rễ và gốc thân có màu nâu đen, teo thắt lại, toàn bộ lá sò và lá thật ở phía trên héo rũ xanh.

Sau một thời gian rất ngắn cây con chết khô, đổ gục trên mặt đất. Trên vết bệnh ở cổ rễ thối nhũn hình thành một lớn nấm màu trắng xám. Nhổ cây lên thường bị đứt gốc thân hoặc cổ rễ.

Ở miền Nam Trung bộ và miền Đông Nam bộ trên lá cây lớn bệnh gây hiện tượng cháy lá bông có khi tới 90% cây bị bệnh như ở Đồng Nai (1999) được gọi là bệnh đốm cháy lá bông (ở giai đoạn hoa, quả).

2. Nguyên nhân gây bệnh

Do nấm Rhizoctonia salani Kuhn gây ra.

Hai giai đoạn chủ yếu nhất trong chu kỳ phát triển của nấm là sợi nấm và hạch nấm.

Sợi nấm trong mô lúc đầu không màu, sau có màu nâu vàng. Sợi nấm đa bào, phân nhánh tương đối thẳng góc, chỗ phân nhánh hơi thắt nhỏ, giáp ngay đó có một màng ngăn ngang, kích thước 8 – 13 µm.

Hạch nấm hình dạng không đồng đều, bề mặt thô màu nâu đỏ. Bào tử hậu ít gặp, chỉ phát sinh khi có ẩm độ rất cao. Ở nước ta chưa thấy dạng sinh sản hữu tính (sinh sản hữu tính tạo đảm đơn bào, không màu, hình bầu dục dài, có từ 2-4 bào tử đảm, đơn bào hình trứng hoặc hình bầu dục dẹt)

Nấm phát triển ở nhiệt độ thích hợp là 17 – 28°C trong phạm vi pH rộng từ 3,4 – 9,2, thích hợp nhất ở pH 6 – 7.

Nấm là loại bán hoại sinh, có ở tính đa thực, phá hoại rất nhiều loại cây trồng. Sợi nấm, hạch nấm tồn tại ở tàn dư cây bệnh, ở thể hoại sinh một thời gian dài tới vài ba năm.

Bệnh thối gốc rễ cây con có triệu chứng tương tự khó phân biệt với bệnh lở cổ rễ cây bông, ngoài nấm Rhizoctonia còn có các loại nấm khác nhau gây ra, ví dụ như nấm Thielaviopsis basicola f, gossypu Zaprometov, hoặc nấm Fusarium sp…

3. Đặc điểm phát sinh phát triển

Ở miền Bắc Việt Nam bệnh thường phát sinh phá hại ở giai đoạn cây con. Khi cây đã lớn (hơn 60 ngày) do gốc thân đã hoá gỗ hầu như bệnh không phá hại cổ rễ mà có thể nấm lan lên lá thật gây ra các vết đốm cháy lá lớn.

Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết ẩm, mưa phùn, râm mát, nhiệt độ nhất là khi nhiệt độ đất từ 17 – 23°C. Trên 23°C khả năng gây bệnh trên cổ rễ giảm dần và khi nhiệt độ lớn hơn 30°C cây bông con hầu như không bị bệnh gây hại.

Vì thế trồng bông vụ đông xuân dễ bị bệnh nặng và càng gieo muộn (cuối tháng 12) cây càng bị nặng hơn do gặp điều kiện mưa rét kéo dài. Ngược lại bông gieo vụ mùa (tháng 7) có điều kiện nhiệt độ khá cao, cây mọc nhanh, sinh trưởng mạnh, mau chóng vượt qua giai đoạn non, do đó bệnh làm chết cây con không đáng kể. Trái lại ở miền Nam Việt Nam ít phá hại trên bông con mà chủ yếu phá trên lá cây bông đã lớn từ 50 ngày tuổi trở lên. Lá bông bị nhiễm bệnh nặng nhất ở Ninh Thuận, Đắclắk, Đồng Nai.

Bệnh cũng phát sinh phát triển mạnh trong điều kiện đất thấp, đất thịt nặng, thoát nước kém. Mặt khác trên những chân đất này, cây sinh trưởng yếu, sức chống chịu bệnh của cây giảm sút. Bệnh còn phát triển mạnh khi các yếu tố kỹ thuật trồng trọt làm chưa tốt như: làm đất dối, gieo hạt sâu, hạt giống chất lượng xấu, sức nảy mầm kém và trồng độc canh. Biện pháp luân canh giữa bông với các loại cây trồng như lúa nước có tác dụng hạn chế bệnh so với trồng bông độc canh.

4. Biện pháp phòng trừ

Do đặc điểm bệnh thường phát triển gây hại ở giai đoạn cây con ở miền Bắc Việt Nam và nguồn bệnh lây lan chủ yếu là ở trong đất nên để phòng trừ bệnh này cần tập trung ở một số biện pháp sau:

– Làm đất kỹ trước khi gieo. Lên luống cao và san phẳng mặt luống không để ứ đọng nước, đóng váng sau mưa.

– Dùng hạt giống tốt, gieo nông (5 – 6 cm). Vụ đông xuân khô hạn, sau khi gieo cần lăn đất cho chặt gốc. Trước khi gieo cần xử lý hạt giống.

– Nên gieo bông sớm (trong vụ đông xuân), chú ý chống rét cho cây con và bón thúc sớm để cây vượt nhanh qua giai đoạn còn non.

– Sau khi mưa phải kịp thời xới xáo, phá váng và nhổ bỏ cây bệnh (nhổ cả gốc) kịp thời, tỉa cây và vun cao gốc.

– Sau khi thu hoạch cần thu dọn hết tàn dư cây bệnh và áp dụng biện pháp luân canh với cây trồng khác (cỏ mục súc, lúa nước v.v…). Cày đất sâu, để ải sớm, chú ý bón vôi với phân chuồng hoai mục để hạn chế nguồn bệnh tích luỹ ở trong đất.

– Có thể sử dụng Validacin 3SL phun phòng chống lở cổ rễ cây có tác dụng tốt nhất trong phòng chống Rhizoctonia gây đốm cháy lá ở miền Đông Nam bộ.