Bệnh thán thư đậu tương Update 04/2024

Ad by CNCT
Tên khoa học:
Colletotrichum truncatum

Bệnh thán thư đậu tương được công bố đầu tiên năm 1917 tại Hàn Quốc. Hiện nay bệnh phổ biến ở khắp các vùng trồng đậu tương trên thế giới. Nấm gây bệnh có phố ký chủ rộng, gây hại trên các cây trồng thuộc họ đậu như đậu xanh, đậu đen, lạc, đậu trạch… làm giảm chất lượng hạt, hạt bị nhiễm bệnh hàm lượng các axit amin giảm. 

Bệnh có thể làm giảm năng suất từ 15 – 30%, có nơi giảm 50 – 100% năng suất. Ví dụ như ở Nigeria năm 1975 thiệt hại về năng suất là 30% và ở Brazil năm 1976 là 57%.

1. Triệu chứng

Cây có thể nhiễm bệnh từ giai đoạn cây con cho đến khi thu hoạch. Nấm gây hại ở các bộ phận của cây như lá, thân, cành, quả và hạt.

Giai đoạn cây con vết bệnh là các vết đốm màu nâu ướt, hơi lõm trên lá mầm và phát triển xuống thân, lá mầm bị bệnh thường rụng sớm. Bệnh nặng thường gây chết cây con.

Vết bệnh trên lá thường biểu hiện các vết chết hoại có màu nâu đỏ trên gân lá, gây thối thân. Bệnh có thể gây hại trên phiến lá là các vết bệnh hình bầu dục, màu nâu, hơi lõm xung quanh có viền nâu đỏ, trên bề mặt vết bệnh có các chấm đen nhỏ là các đĩa cành của nấm gây bệnh. Lá bị bệnh thường quăn lại dễ bị rụng.

Trên thân cành, cuống lá và vỏ quả vết bệnh có màu nâu, vết bệnh thường bị bao phủ bởi các đĩa cành có màu nâu. Hạt nhiễm bệnh nặng thường nhỏ, nhăn nheo, trên bề mặt hạt có các vết xám, sau chuyển sang màu nâu hoặc nâu đen. Cây bệnh phát triển kém, nếu nhiễm bệnh ở giai đoạn sớm cây đậu không có khả năng phát triển quả. Một số cây bệnh trên thân và hạt có thể không mang triệu chứng nhưng nấm nhiễm hệ thống ở bên trong.

2. Nguyên nhân gây bệnh

Bệnh haị do nấm Colletotrichum truncatum, bộ Melanconiales, lớp nấm bất toàn. Tản nấm hầu như không xuất hiện. Nếu có thường rất mỏng màu sáng hoặc trắng hồng Sợi nấm đa bào, không màu. Đĩa cành mọc đơn lẻ hoặc tập trung thành từng đám. Lông bám trên đĩa cành màu nâu hoặc màu đen, thường dài hơn cụm bào tử phân sinh. Bào phân sinh tập trung thành cụm, có màu trắng, trắng đục hoặc vàng nhạt đến vàng da cam.

Bào tử phân sinh không màu, thon dài hơi cong và nhọn ở hai đầu, kích thước 15 – 27 x 2-5 µm. Lông của đĩa cành màu nâu hoặc đen, có từ 0 – 9 ngăn ngang, kích thước 50 – 468 x 2 – 7 µm. Nấm gây bệnh có thể nhiễm hệ thống và biểu hiện triệu chứng sau khi cây đã thuần thục. Sợi nấm có thể tồn tại trong nội nhũ và phôi hạt.

Bào tử nấm nảy mầm hình thành 1 – 2 ống mầm ngắn, từ đó sinh ra giác bám xâm nhập qua biểu bì của cây. Gặp điều kiện thuận lợi nhiệt độ 20 – 25°C, có giọt nước, nấm có thể nảy mầm và hình thành giác bám trong vòng 6 giờ, thời kì tiềm dục 60 – 65 giờ. Nguồn bệnh tồn tại chủ yếu ở dạng sợi nấm trên hạt giống và tàn dư cây bệnh. Trên hạt giống sợi nấm giữ được sức sống từ 1 – 2 năm.

3. Đặc điểm phát sinh phát triển

Bệnh thán thư đậu tương phát triển mạnh trong điều kiện ẩm độ cao, nhiệt độ khoảng 28°C. Ở điều kiện miền Bắc nước ta bệnh thường phát triển từ tháng 4 đến tháng 6, gây hại mạnh trên cây đậu tương đang ở giai đoạn phát triển quả cho đến khi thu hoạch.

Sợi nấm trên hạt giống có thể lan truyền gây bệnh cho cây con mới mọc. Bào tử phân sinh lan truyền qua gió mưa, nước tưới và côn trùng gây hại trên đồng ruộng.

Bệnh phát triển trên những ruộng đậu tương trồng với mật độ dày, trồng liên tiếp vụ. Tỉ lệ nhiễm bệnh trên đồng ruộng phụ thuộc vào mức độ nhiễm bệnh của hạt giống và ẩm độ trên đồng ruộng. Bệnh phát triển mạnh ở những vùng trồng đậu tương có mưa nhiều, bón phân không hợp lí.

Giống đậu tương nhiễm bệnh cao là các giống AK 03, DT 84. Các giống đậu tương DT 93, DT 90, DT 22 nhiễm bệnh ở mức thấp hơn.

4. Biện pháp phòng trừ

– Xử lý hạt giống bằng một số loại thuốc hoá học như: Thiram, Captan, Benomyl.

– Vệ sinh đồng ruộng, tiêu huỷ tàn dư cây bệnh.

– Bón canxi và kali cũng hạn chế được bệnh.

– Khi bệnh phát triển sớm cần phun thuốc hoá học Benomyl, Cacbenzym, Mancozeb vào giai đoạn hình thành quả.

– Có thể sử dụng biện pháp sinh học dùng các chế phẩm từ loài nấm đối kháng như Gliocladium roseum, Trichoderma viride, Penicillium thomi để xử lý hạt giống cũng làm giảm tỉ lệ bệnh.