Tìm hiểu nhu cầu dinh dưỡng của cây đu đủ Update 04/2024

Tìm hiểu nhu cầu dinh dưỡng của cây đu đủ

1. Nhu cầu dinh dưỡng của cây đu đủ

Cây đu đủ có thể trồng trên nhiều loại đất nếu được chăm sóc tốt và không bị úng nước. Tuy vậy để cây sinh trưởng thuận lợi cho năng suất và chất lượng cao đất cần có kết cấu nhẹ, thoát nước nhanh, giàu mùn và chất dinh dưỡng, không chua, pH = 6 – 7. Đất xấu hoặc hơi chua cần bón nhiều phân hữu cơ và vôi. Rễ đu đủ rất cần oxy để phát triển và dễ bị thối khi úng nước.

Cây đu đủ có đời sống ngắn, tốc độ sinh trưởng nhanh và sản lượng cao, ra hoa quả quanh năm nên yêu cầu dinh dưỡng khá nhiều, nhất là đạm. Lân và kali giúp tăng sức chống chịu bệnh và chất lượng quả. Do không chịu đất chua nên đu đủ rất cần canxi, đủ canxi cây mọc tốt, ít sâu bệnh, sống lâu và cho nhiều quả.

Do thường trồng nơi đất tốt nên biểu hiện thiếu vi lượng không rõ. Tuy vậy nếu được bổ sung thêm vi lượng cây sinh trưởng tốt hơn và tăng sức chống bệnh.

2. Hướng dẫn bón phân cho cây đu đủ

Bón lót: Khi trồng bón cho mỗi hố 10 – 15kg phân chuồng hoai mục và 100g super lân, trộn với ít đất mặt đủ lấp đầy hố. Nếu đất chua bón thêm 100 – 200g vôi bột.

Bón thúc: Lượng chất dinh dưỡng bón cho 1 cây trung bình như sau:

  • Đạm (N): 200 – 300g
  • Lân (P2O5): 200 – 300g
  • Kali (K2O): 100 – 150g

Sử dụng phân NPK 20-20-15 liều lượng1 kg/cây, NPK 16-16-8 liều lượng 1,5kg/cây. Nếu đất xấu, tăng lượng đạm và kali mỗi loại lên 400g/cây.

Sau khi trồng 3 – 4 tháng bón 2/3 lượng phân trên, 1/3 còn lại bón về sau, khoảng 2 – 3 tháng bón một lần cho đến khi quả lớn.

Cách bón: Pha vào nước tưới hoặc rải phân lên mặt đất rồi phủ đất vụn lên trên, tránh làm đứt rễ.

Cây đu đủ rất cần các chất vi lượng, có thể bổ sung phân bón vi lượng Combi Chelate cho cây, liều lượng 100gr cho 600-800L nước.