Hạn chế xì mủ vàng, sượng trái trên cây măng cụt Update 03/2024

Hiện tượng xì mủ vàng, sượng trái trên cây măng cụt những năm gần đây ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của người dân trồng măng cụt. Trái măng cụt loại 1 có thể dao động từ 60.000 – 80.000 đồng/ kg. Tuy nhiên trái loại có nhiễm sượng trái, xì mủ vàng thì giá rất thấp. Do vậy trong canh tác cây măng cụt việc hạn chế xì mủ vàng, sượng trái được các nhà vườn quan tâm hàng đầu hiện nay.

Nguyên nhân nào dẫn đến xi mủ vàng, sượng trái trên cây măng cụt? Biện pháp hạn chế xì mủ vàng, sượng trái trên cây măng cụt? Cách xử lý khi cây măng cụt bị xì mủ vàng, sương trái?

Xì mủ vàng, sượng trái cây măng cụt.

1. Nguyên nhân gây xì mủ vàng, sượng trái cây măng cụt

– Sinh lý của cây măng cụt: Cây có tuổi càng lớn thì tỷ lệ xì mủ vàng, sượng trái càng giảm.

– Quy trình chăm sóc không hợp lý: Trong suốt quá trình chăm sóc cần áp dụng chế độ bón phân cân đối. Nếu quy trình bón phân thừa đạm thì nguy cao trái bị xì mủ vàng, sượng trái rất cao. Sử dụng các dạng đạm hữu cơ bón cho cây sẽ giảm nguy cơ bị xì mủ vàng, sượng trái. Lưu ý giai đoạn mang trái cần bón phân đạm hữu cơ thay thế cho đạm vô cơ sẽ giảm đáng kể tình trạng xì mủ, sượng trái.

– Sâu bệnh hại: Là đối tượng cần tiến hành phòng trừ. Đặc biệt là giai đoạn cây mang trái non, nếu bị sâu bệnh hại tấn công thì gây thiệt hại lớn, tỷ lệ trái bị bệnh lên đến 100%.

– Thời tiết bất thuận: Trong suốt quá trình chăm sóc cần duy trì ổn định độ ẩm cho cây. Trường hợp cây gặp sốc nước thì không những trái bị xì mủ, sượng mà tỷ lệ rụng hoa, rụng trái rất cao.

2. Biện pháp hạn chế xì mủ vàng, sượng trái trên cây măng cụt

– Áp dụng bố trí cơ cấu thời vụ trên cây măng cụt thích hợp với điều kiện thời tiết, sao cho duy trì ổn định độ ẩm cho cây. Tránh thời điểm ra hoa, nuôi trái non rơi vào thời điểm có mưa, có biến động về độ ẩm. Cần xử lý ra hoa sớm vào tháng 11 dương lịch để thu hoạch trong tháng 4 (giai đoạn nuôi trái gặp thời tiết nắng ráo, không mưa).

– Sử dụng một số hoạt chất điều tiết sinh trưởng tăng cường giải độc, giải sốc cho cây khi gặp điều kiện thời tiết bất thuận như Chitosan, Brassinolide, 3B, …

– Trước khi thu hoạch 1- 2 tháng cần duy trì độ ẩm đạt từ 50-55%. Nên phủ bạt trên liếp, tháo nước trong mương cách mặt liếp ít nhất 60 cm.

– Dùng nước vôi nồng độ 2%, phun 3-4 lần, phun sau khi cây đậu trái từ tháng thứ 2, khoảng cách 2 lần phun là 10 ngày. Hàng năm nên bón vôi cho cây ít nhất 2 lần/ năm, với lượng vôi bón là 50 kg/ công.

– Phun phòng ngừa sâu bệnh hại định kỳ, dùng các thuốc gốc đồng để phun phòng định kỳ.

– Khi thu hoạch cần hạn chế va chạm gây tổn thương trái giảm tính cạnh tranh của trái.