Cách trồng thơm, khóm trên chậu Update 04/2024

Cây thơm, khóm là cây dễ trồng, ít công chăm sóc. Có thể trồng trên chậu để làm cảnh trong thời gian dài. Việc xử lý ra hoa dễ dàng bằng đất đèn. Vừa trồng làm cảnh vừa có thể thu trái để ăn. Tuy nhiên để trồng thành công thì không phải ai cũng có thể trồng và thu trái. Việc trồng cần tuân thủ theo một số kỹ thuật cơ bản như sau:

Cách trồng thơm, khóm trên chậu.

1. Chuẩn bị giống, vật liệu trồng

– Giống thơm, khóm: Có thể lấy giống bằng ngọn thơm, khóm khi đã dùng quả. Hoặc có thể dùng cây con của cây trồng vụ trước. Đối với trồng cảnh, số lượng cây giống không nhiều nên có thể tận dụng lượng giống ngọn sau khi sử dụng quả.

– Chuẩn bị chậu: Do cây thơm, khóm có thời gian sinh trưởng dài nên để tạo điều kiện cho cây sinh trưởng phát triển tốt cần lựa chọn một số loại chậu có kích thước lớn. Kích thước tối thiểu đường kích chậu là 25 cm. Chậu càng lớn càng tốt. Chất liệu chậu nên chọn chậu xứ. Tùy vào điều kiện thực tế có thể tận dụng một số vật liệu có sẵn để trồng.

– Giá thể trồng: Giá thể trồng có thể sử dụng giá thể hữu cơ cao cấp, giá thể T – Rát, giá thể Peatmoss Terraerden, … Hoặc giá thể có thể tự phối trộn theo công thức phối trộn bao gồm: Đất (đất phù sa, đất màu); xỉ than (mùn cưa, xơ dừa); phân chuồng hoai mục (phân vi sinh) được phối trộn theo tỷ lệ: 1/4 đất + 1/2 xỉ than + 1/4 phân chuồng hoai mục. Sau khi trộn đều theo tỷ lệ trên thì cần tiến hành xử lý nấm bệnh tồn tại trong giá thể bằng các dung dịch như Daconil 75 WP (1 g/l nước) hoặc dung dịch Ridomil Gold 68 WG (nồng độ 3 g/l nước) phun đều vào giá thể đã trộn (40 – 50 l/m3 giá thể).

2. Cách trồng thơm, khóm trên chậu

– Cho giá thể vào dụng cụ trồng, cách miệng chậu từ 5-7 cm. Đối với ngọn thơm, khóm bóc các lá phía gốc để lộ phần thân gốc. Pha dung dịch kích rễ nhúng phần gốc theo khuyến cáo của nhà sản xuất để kích rễ mọc sớm, cây phát triển mạnh.

– Cho ngọn thơm, khóm vào giữa chậu, lấp đất ấn nhẹ để cố định cây. Không trồng sâu, chỉ trồng đúng phần thân gốc xuống đất từ 2-3 cm là đạt.

– Trồng xong tiến hành tưới đẫm nước và để cây ra nơi có nhiều ánh sáng trực xạ nhất để cây nhanh ra rễ, bén rễ phát triển tốt nhất.

3. Cách chăm sóc thơm, khóm trên chậu

– Cây thơm, khóm là cây trồng dễ tính, nhu cầu dinh dưỡng không cao. Tuy nhiên để cây sinh trưởng phát triển tốt nên bón phân định kỳ cho cây.

– Bón gốc định kỳ với lượng 10 gram NPK 13-13-13/ 4-5 lít nước tưới cho cây, cứ 15-20 ngày tưới dinh dưỡng một lần.

– Nên kết hợp phun phân bón lá bổ sung cho cây để kích thích cây phát triển mạnh, sung sức trước khi muốn xử lý cây ra hoa. Định mức lượng phân bón lá cho 10 lít nước: 1-2 gram vi lượng + 1 gram bột rong biển + 3-5 gram amino. Hoặc có thể thay thế phân bón lá siêu lân NPK 10-50-10 phun cho cây.

Trồng khóm, thơm từ ngọn trong chậu.

4. Cách xử lý thơm, khóm ra hoa

– Để xử lý thơm, khóm ra hoa cần chuẩn bị đất đèn (khí đá). Chỉ xử lý ra hoa khi cây trồng tối thiểu 6 tháng, hoặc trong trường hợp trồng lâu mà cây không ra hoa, cây khỏe, sung sức. Việc áp dụng xử lý ra hoa sớm sẽ làm cho cây ra quả nhỏ. Thời gian cây sinh trưởng càng lâu thì khi xử lý quả càng to.

– Dùng 6-10 gram đất đèn pha với 1 lít nước. Sau khi hòa tan xong thì dùng 30-50 ml dung dịch đất đèn tưới vào ngọn dứa.

– Sau khi xử lý dung dịch đất đèn từ 20-25 ngày cây hình thành hoa.

– Để tăng khả năng phát triển quả cần lưu ý đảm bảo độ ẩm đất đạt từ 60-65%, dinh dưỡng gốc, dinh dưỡng phân bón lá đúng theo định kỳ và chọn loại phân bón có bổ sung lượng kali cho cây.

– Thời gian từ khi ra hoa đến khi thu hoạch có thể kéo dài từ 6-8 tháng. Do vậy nếu trường hợp muốn xử dụng làm cảnh trưng tết thì nên trồng cây bắt đầu vào tháng 6-7 năm nay đến tháng 4-5 năm sau tiến hành xử lý ra hoa nếu cây chưa ra hoa.