Ủ phân hữu cơ từ cây bèo tây (Lục bình) Update 05/2024

Hiện nay, lượng phân bón hữu cơ ngày càng hạn chế do quy mô chăn nuôi giới hạn. Để phục hồi sức khỏe cho đất, tận dụng được nguồn sinh vật tự nhiên rẻ tiền như rơm rạ, bèo, …Nhà nông có thể ứng dụng quy trình tự ủ phân hữu cơ từ những vật liệu có sẵn. Một trong những loại cây phân xanh dễ tìm, có hàm lượng dinh dưỡng cao, rễ sản xuất, … phải kể đến cây bèo tây (hay còn gọi là cây Lục bình). Phân ủ từ cây bèo tây có chất lượng tốt, tăng lượng keo đất, tơi xốp, giảm đến 30-40% lượng phân bón hóa học, … giúp tiết kiệm chi phí sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Xuất phát từ thực tế, hỗ trợ các nhà vườn có thông tin quy trình đầy đủ để thực hiện thành công phân hữu cơ từ cây bèo tây, cẩm nang cây trồng thực hiện bài viết ủ phân hữu cơ từ cây bèo tây (Lục bình) bằng nấm Tricoderma.

Ủ phân hữu cơ từ cây bèo tây (Lục bình).

1. Thành phần dinh dưỡng từ cây bèo tây

– Thành phần dinh dưỡng từ cây bèo tây tính theo % bao gốm:

+ Nước: 92,3%

+ Xenlulose: 1,4%

+ Lipid: 0,3%

+ Protein: 0,8%

+ Khoáng toàn phần: 1,4%

+ Dẫn xuất không protein: 5,08%.

2. Vật liệu cần chuẩn bị

– Cây bèo tây (rơm rạ nếu có): 600-700 kg + Phân chuồng: 300-400 kg + Super lân: 2 kg + Nấm Trichoderma: 50-100 gram + Amino axit: 0,5-1 kg + Vi lượng tổng hợp 0,1-0,2 kg.

– Bạt nilong che phủ đống ủ.

– Vị trí ủ cao ráo, không đọng nước khi có mưa.

3. Quy trình ủ phân hữu cơ từ cây Bèo tây

– Sơ chế cây phân xanh: Cần tiến hành cắt nhỏ (càng nhỏ càng tốt).

– Hỗn hợp dung dịch: Nấm + Amino + Vi lượng hòa vào phuy 200 lít nước, dùng tưới lên đống ủ.

– Trộn đều hỗn hợp phân xanh gồm bèo tây, rơm rạ, phân chuồng, lân với nhau.

– Tiến hành ủ: Trải lớp bạt nilong lên nền đất ủ. Sau đó trải chất ủ dày từng lớp 20-30cm, tiến hành tưới hỗn hợp dung dịch lên bề mặt chất ủ. Tiếp tục, trải lần lượt các lớp chất ủ 20-30 cm, rồi tưới nước men. Tương tự như vậy cho đến khi hết lượng hỗn hợp phân xanh. Tưới hết lượng hỗn hợp dung dịch và nước sao cho đảm bảo độ ẩm là 70%, nén chặt đống ủ. Dùng vật dụng như bùn ao (nếu có) đắp phủ phía ngoài đống ủ sau đó phủ bạt tủ kín đống ủ để giữ ẩm.

– Thời gian ủ càng lâu càng tốt. Trung bình thời gian ủ từ 2-3 tháng có thể sử dụng được.

4. Một số lưu ý trong quá trình thực hiện

– Kích thước phân xanh càng nhỏ càng tốt. Kích thước tối đa là 20 cm.

– Đối với rơm rạ tươi cần ủ mục từ 25-30 ngày trước khi phối trộn vào đống ủ. Với rơm rạ khô cần tưới ẩm, nhúng nước vôi trong ít nhất 12 giờ giúp rơm nhanh phân hủy trong quá trình ủ.

– Bèo tây khi ủ cần phơi tái, cắt nhỏ trước khi đưa vào đống ủ.

– Tùy thuộc vào khối lượng chất ủ mà căn chiều ngang và chiều dài của đống ủ. Đảm bảo độ cao đống ủ tiện lợi cho quá trình kiểm tra, tưới nước bổ sung định kỳ tạo độ ẩm giúp đống ủ phân hủy nhanh.