Bệnh đốm góc dưa chuột Update 04/2024

Ad by CNCT
Tên khoa học:
Pseudomonas lachrymans

Bệnh đốm góc dưa chuột rất phổ biến ở các nước, gây thiệt hại nặng, năng suất giảm từ 30 – 50%, nhất là đối với ruộng sản xuất dưa chuột làm giống. Bệnh làm chết, giảm chất lượng quả.

Bệnh được phát hiện năm 1913 bởi Burgeri ở Mỹ do vi khuẩn Pseudomonas lachrymans.

Phạm vi ký chủ đã phát hiện là dưa chuột, dưa mơ lông, bí đao và nhiều loài cây trong họ bầu bí tuỳ theo các chủng khác nhau của vi khuẩn.

1.Triệu chứng

Bệnh hại ở lá sò, lá thật, hoa và quả dưa chuột. Lá sò bị bệnh là do từ hạt giống bị nhiễm bệnh ban đầu. Trên lá sò có những vết bệnh màu nâu nhạt ở rìa mép lá hoặc trên phiến lá. Lá sò bé nhỏ hơn và chuyển thành màu nâu nhạt, cây con bị chết. Khi mầm non mới mọc ra ở trong đất và nhiễm bệnh, có màu nâu, teo chết sớm.

Trên lá thật, vết bệnh đặc trưng là những vết đốm có góc cạnh (giới hạn bởi mạng gân lá), trong giọt dầu khi thời tiết ẩm ướt sau đó chuyển sang màu xám sẫm, nâu đỏ. Nhiều vết bệnh khô giòn bong tách ra để lại những lỗ thủng lỗ chỗ trên phiến lá.

Trên quả bị bệnh xuất hiện nhiều vết đốm hình tròn, màu nâu vàng, lõm vào thịt quả. Trong điều kiện ẩm ướt, trên vết lõm tiết ra những giọt dịch vi khuẩn.

2.Nguyên nhân gây bệnh   

Loài vi khuẩn gây bệnh P. lachrymans phân hoá thành các pathotype (các dạng) có tính chuyên hoá hẹp. Có dạng chỉ gây hại trên dưa chuột mà không lây nhiễm được các loài cây khác gọi là Pseudomonas lachrymans f. cucumis Gorl. Có dạng chuyên hoá chỉ gây hại trên dưa mơlông gọi là Ps. lachrymans f. melonis Gorl…

Dạng vi khuẩn gây bệnh trên dưa chuột có đặt tính chung như sau: hình gậy ngắn, kích thước 0,8×1-1,2 µm. Chuyển động nhờ có lông roi ở một đầu, có vỏ nhờn. Phân giải đường glucose, saccharose tạo ra axit, không sinh khí. Khuẩn lạc hình tròn, màu trắng, nhẵn bóng. Có khả năng phân giải phân giải đường lactose và glycerin không sinh ra axit. Vi khuẩn không có khả năng khử nitrat, không tạo ra H2S, không làm đông váng sữa…

3.Đặc điểm phát sinh phát triển

Nguồn bệnh vi khuẩn truyền qua hạt giống, qua tàn dư cây bệnh chưa bị hoai mục ở trong đất. Đó là nguồn vi khuẩn xâm nhiễm đầu tiên. Hạt giống nhiễm vi khuẩn ở bề mặt và bên trong hạt. Từ hạt nhiễm bệnh sau khi gieo, bệnh xuất hiện trên lá sò. Những lá sò bị bệnh đầu tiên khô rụng, nhờ mưa gió vi khuẩn ở đó truyền lan gây bệnh trên các lá thật và quả non. Vi khuẩn có thể truyền lan qua côn trùng Diabrotica vittata.

Vi khuẩn xâm nhiễm vào lá quả thông qua vết thương. Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết nóng ấm và ẩm độ cao, mưa gió nhiều. Nhiệt độ thích hợp cho vị khuẩn phát triển 23 – 27°C.

Trên vết bệnh ở vỏ quả dưa chuột có khi mọc ra lớp nấm Scolecotrichum hoặc Cladosporium herbarum. Mối quan hệ giữa chúng và vi khuẩn còn chưa được xác định rõ.

4.Biện pháp phòng trừ

Phòng trừ bệnh đốm góc vi khuẩn trên cơ sở:

– Các biện pháp canh tác phòng ngừa bệnh như luân canh (2 năm), làm đất kỹ, cày lật vùi lấp tàn dư bệnh. Bón phân hữu cơ.

– Dùng hạt giống khoẻ, sạch bệnh. Có thể xử lý hạt giống bằng thuốc hoá học trước khi gieo. 

– Chọn tạo các giống dưa chuột chống chịu bệnh.

– Phun thuốc hoá học (gốc đồng) có tác dụng hạn chế bệnh trong thời kỳ sinh trưởng.