Bệnh chùn ngọn chuối Update 04/2024

Ad by CNCT
Tên khoa học:
Banana Bunchy Top Virus

Bệnh phân bố khắp châu Á, châu Phi, châu Đại dương. Đây là bệnh nguy hiểm nhất – trong các bệnh virus hại chuối ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Ở nước ta bệnh gây hại rất phổ biến ở các vùng trồng chuối thuộc các tỉnh đồng bằng, trung du và miền núi phía Bắc.

1. Triệu chứng

Cây bị nhiễm bệnh thường xuất hiện những sọc ngắn màu xanh đậm trên phiến lá sau lan tới cuống lá và gân lá. Các lá sau ngắn lại, phiến lá nhỏ, hẹp, dựng đứng, tập trung ở phần ngọn làm ngọn chuối chùn lại.

Cây ngừng sinh trưởng, còi cọc, lá bệnh thô cứng, giòn dễ gãy. Phụ thuộc vào mức độ và giai đoạn nhiễm bệnh, quả có thể hình thành hoặc không.

Hệ thống rễ phát triển kém, một số cây bị chết thối. Trên cây nuôi cấy mô triệu chứng ban đầu là một vài vết đốm tối ở cuống lá non nhất, sau chúng xuất hiện ở những lá tiếp theo tụ thành sọc màu xanh đậm.

Mép lá biến vàng và nhỏ hẹp, gân á, phiến lá xuất hiện sọc xanh tối, lá dựng đứng bó lại. Cây ngừng sinh trưởng và lá dưới có thể rời khỏi thân giả.

Bệnh chùn ngọn chuối

Hình ảnh: Bệnh chùn ngọn chuối

2. Nguyên nhân gây bệnh

Bệnh do Banana Bunchy Top Virus (BBTV) gây ra. Virus thuộc nhóm Nanavirus, có dạng hình cầu, đường kính 18 – 20 nm, axit nucleic là ADN.

Bệnh không truyền bằng phương thức cơ học mà truyền qua rệp chuối Pentalonia  nigronervosa theo phương thức bán bền vững. Rệp chuối thường tập trung ở quanh thân giả phía dưới bẹ lá và thân giả của chồi non. Khi mật độ lớn chúng tập trung quanh tâm lá và cuống lá.

Rệp chuối phân bố ở khắp các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới phát triển mạnh trong mùa có độ ẩm cao.

Rệp chuối có 4 lứa trong năm . Virus được truyền bằng rệp trong vòng 1,5 – 2 giờ và có thể tồn tại trong cơ thể rệp tới 13 ngày. Rệp bị nhiễm virus sau khi nuôi trên cây bệnh từ vài giờ đến 2 ngày.

Trong phạm vi từ 16 – 27°C, nhiệt độ càng cao khả năng truyền bệnh càng tăng. Dưới 16°C khả năng truyền bệnh rất hạn chế. Bệnh truyền dễ dàng qua cây mẹ. Triệu chứng bệnh sau khi truyền xuất hiện từ 3 tuần đến vài tháng tuỳ thuộc vào điều kiện ngoại cảnh.

Virus gồm 3 chủng: S – 1 (chủng mạnh thể hiện triệu chứng rõ điển hình); M – 1 (chủng nhẹ thể hiện triệu chứng nhẹ, chỉ gồm các sọc ngắn xanh đậm ở cuống lá); M-2 (chủng rất nhẹ không thể hiện rõ triệu chứng).

3. Đặc điểm phát sinh, phát triển

Virus BBTV chỉ nhiễm trên các giống chuối Musa spp. Virus có thể gây bệnh trên cây gừng dại và có thể tồn tại trên một số cây ký chủ khác họ với chuối như Alpinia purpurata, Colocasia esculenta, Canna indica và Hedychium coronarium dưới dạng ẩn.

Các giống chuối thuộc nhóm AA, AAA mẫn cảm với bệnh. Các giống chuối thuộc nhóm AAB, ABB, ABBB, BB và BBB chống chịu bệnh.

Chuối trồng trong điều kiện chăm sóc tốt, mật độ hợp lý ít bị nhiễm bệnh hơn trồng trên đất bạc màu. Bệnh hại nặng trên giống chuối tiêu, chuối ngự. Các giống chuối lá, chuối tây ít bị nhiễm bệnh.

4. Biện pháp phòng trừ

Kiểm dịch chặt chẽ, không vận chuyển cây giống từ những vùng bị bệnh sang những vùng không bị bệnh.

Trồng cây khoẻ sạch bệnh. Nhổ bỏ cây bệnh, diệt môi giới truyền bệnh là rệp chuối bằng thuốc hoá học.

Đối với chuối nuôi cấy mô có thể xử lý chồi ở nhiệt độ 40 – 55°C từ 30 – 180 phút.