Xử lý ra hoa đồng loạt trên cây vú sữa Update 03/2024

Các loại cây ăn trái hiện nay đa số đều xử lý ra hoa đồng loạt. Việc áp dụng các biện pháp xử lý ra hoa đồng loạt giúp cây cho năng suất, chất lượng tốt. Đồng thời giảm thiểu hiện tượng kéo dài thời vụ dẫn đến suy cây. Cây vú sữa cũng cần thiết áp dụng kỹ thuật này.

1. Thời điểm tốt nhất khi chuyển vụ trên cây vú sữa

– Kỹ thuật xử lý ra hoa trên cây vú sữa được tiến hành vào cuối tháng 11 dương lịch. Thời điểm cần kết thúc vụ thu hoạch để sang vụ mới tốt nhất khi thu hoạch vụ trước còn lại 10% lượng quả thu hoạch thì nên chuyển sang vụ mới.

– Thời gian xử lý ra hoa được tiến hành ngay sau khi chuyển vụ, thu dọn vườn, chăm sóc sau thu hoạch. Khoảng thời gian xử lý ra hoa kéo dài khoản 20 ngày.

Ép cây vú sữa ra hoa vụ sớm tăng hiệu quả kinh tế.

2. Kỹ thuật chăm sóc cây vú sữa sau thu hoạch

– Khi trên cây còn lại 10% lượng quả trên cây thì tiến hành cắt tỉa cành, vệ sinh dọn vườn, bón phân, phun phòng trừ sâu bệnh hại cho cây trồng để chuyển vụ.

– Tiến hành cắt tỉa, định tán cành: Cắt các cành khô, cành yếu, cành xâu bệnh, cành không cho hoa vụ tới.

– Dọn vệ sinh toàn bộ vườn vú sữa. Các xác thực vật trong vườn cần được thu gom và thiêu hủy. Nhằm hạn chế nguồn bệnh từ vụ trước lây sang vụ mới.

– Dùng vôi bột rải khắp vườn nhằm diệt mầm bệnh tồn dư trong vườn, đồng thời cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng vụ mới.

– Sau khi bón vôi từ 3-5 ngày tiến hành bón phân bón: Lượng phân bón tính cho 1 gốc từ 3 năm tuổi trở lên: 15-20 kg phân chuồng hoai mục + 1-2 kg NPK 15:15:15; 20:20:15 + 150-200 gram nấm đối kháng Trichoderma. Phương pháp bón: Đào rãnh sâu 15-20 cm theo hình chiếu tán cây. Rãi phân xuống rãnh rồi lấp đất lại tránh thất thoát phân bón. Bón phân xong cung cấp nước đầy đủ liên tục tối thiếu từ 3-5 ngày để phân bón tan hết, cung cấp tối đa dinh dưỡng cho cây trồng.

– Kết hợp phun phân bón lá trong thời điểm bón phân gốc. Lượng phân bón là tính cho 500 lít nước: Bột rong biển 500 gram + Amino axit 1kg + Axit fuvic 250 gram + Atonik đậm đặc Compoun Nitrophenolate 98%: 2 gram.

3. Cách làm trái sớm trên cây vú sữa

– Kỹ thuật xử lý làm trái sớm chỉ áp dụng trên cây vú sữa trên 5 năm tuổi, cây khỏe, cho năng suất trái hàng năm ổn định. Điều kiện chăm sóc sau thu hoạch đều đảm bảo như nước, phân bón.

–  Khoảng thời gian xử lý làm trái sớm trên cây vú sữa kéo dài khoảng 20 ngày. Kỹ thuật áp dụng xử lý ra hoa trên cây vú sữa bao gồm xiết nước, phun dinh dưỡng, phun chất ức chế kích thích phân hóa mầm hoa, phun hoạt chất kích thích ra hoa đồng loạt, chống rụng hoa, rụng quả non.

– Sau khi bón phân sau thu hoạch trước xử lý ra hoa từ 5-7 ngày thì tiến hành xiết nước, không tưới nước cho đến khi cây phân hóa mầm hoa (cựa mầm hoa). Thời gian xiết nước khoảng 15-20 ngày khi ở nách lá hình thành cựa mầm hoa, lá chuyển sang xào lá, lá xanh đậm, dòn lá là đạt. Khi đó tưới nước lại thì cần tưới nhấp nước 3-4 ngày, dần dần tăng lượng đến khi duy trì độ ẩm từ 65-75% trong suốt quá trình nuôi quả.

– Sử dụng hoạt chất kích thích tăng khả năng ra hoa đậu trái, giảm rụng trái non: Phun hoạt chất 4-CPA-Na 98% với nông độ 5-8 gram/ 1000 lít nước. Ba thời điểm phun: Lần 1 phun khi hoa đực nở từ 40-60%; lần 2 khi hoa cái đã thụ phấn xong; lần 3 phun cách lần 2 từ 10-15 ngày.

– Kết thúc phun lần thứ 3 hoạt chất 4-CPA-Na 98% khoảng 3-5 ngày thì có thể phun phân bón lá với hàm lượng dinh dưỡng nhẹ, hoạt chất mát có hàm lượng canxi, bo để nuôi dưỡng trái non. Có thể kết hợp với GA3 nồng độ 15-30 gram/1000 lít nước để hạn chế rụng quả và kích to trái.

– Để tăng hiệu quả của hoạt chất phun hỗ trợ cho cây trồng mỗi lần phun có thể kết hợp với chất lan trãi Super silicon 69 với định mức là 100 ml pha cho 600 lít nước phun.

– Sau khi phun nhẹ dinh dưỡng khoảng 5-7 ngày có thể tiến hành bón phân gốc chuyển sang giai đoạn dưỡng trái.