Sâu xám Update 03/2024

Ad by CNCT
Tên khoa học:
Agrotis ypsilon

Họ ngài đêm: Noctuidae

Bộ cánh vảy: Lepidoptera

Đối tượng cây trồng bị sâu xám hại

Sâu xám hại rất nhiều loại cây trồng như: Ngô, đậu đỗ, cây bông, cải xanh, cải bắp, cà rốt, cà tím, đậu xanh, rau diếp, khoai lang, cà chua, củ cải, dưa, bầu, bí…

Đặc điểm hình thái của sâu xám hại hoa màu – Agrotis ypsilon:

Sâu xám hại ớt

– Vòng đời trung bình 50-60 ngày, trong đó giai đoạn sâu non 30-35 ngày: Trứng 4-11 ngày; Sâu non 22-34 ngày; Nhộng 9-13 ngày; Bướm đẻ trứng sau 2-4 ngày.

– Trưởng thành là loài bướm có thân dài 20-25mm. Cánh trước có màu xám đen, gần phía góc mép ngoài có 3 vệt đen nhỏ hình tam giác. Cánh sau màu trắng, mép ngoài màu nâu xám nhạt. Cơ thể có nhiều lông màu xám.

– Trứng có hình cầu hơi dẹt, có sọc nổi, đường kính khoảng 0.5mm, lúc đầu có màu nhạt (trắng sữa) sau chuyển sang hồng nhạt, màu đen đến nâu (hoặc tím sẫm).

– Sâu non màu đen nâu, có đường xẻ màu nâu nhạt ở giữa và hai sọc hai bên. Đầu rất đen, có hai điểm trắng.

– Nhộng có màu nâu cánh gián, cuối bụng có một đôi gai ngắn.

– Sâu non màu xám đen nâu hoặc màu nâu xám, dọc theo hai bên thân có một dãy đen mờ, đầu đen (hoặc nâu sẫm). Trên mỗi đốt thân phía trên có 4 u lông nhỏ, phía dưới có 4 u lông lớn. Đốt cuối cùng ở mảnh lưng có 2 vệt màu nâu đậm.

Tập quán sinh sống và gây hại của sâu xám hại hoa màu – Agrotis ypsilon

– Bướm hoạt động giao phối và đẻ trứng ban đêm, thích mùi chua ngọt. Đẻ trứng rời rạc thành từng quả trên mặt đất, một bướm cái có thể đẻ khoảng 800-1000 trứng.

Sâu xám hại khoai tây

(A) Các pha phát dục của sâu xám; (B) Sâu xám cắn thân cây khoai tây

– Tuổi 2, ban ngày sâu ẩn nấp dưới mặt đất ngay dưới gốc cây, hoặc mặt dưới của lá, ban đêm chui lên ăn lá non hoặc gặm xung quanh thân cây non. Từ tuổi 3 – 4 trở đi sâu phá mạnh, cắn đứt ngang thân cây (làm cây bị khuyết hoặc bị cắn đứt) kéo xuống đất. Mỗi đêm, một con sâu có thể cắn đứt 3 – 4 cây non. Đối với một số màu trưởng thành có thân đã cứng (cây ngô có 7 – 8 lá) sâu th­ường đục vào thân gần sát gốc ăn phần non mềm ở giữa làm thân cây ngô bị héo và chết. Ruộng hoa màu bị sâu xám gây hại trông mất khoảng lỗ chỗ, mật độ cây giảm, thiệt hại về năng suất.

Sâu xám; Sâu cắn thân cây con; Sâu xám co mình khi bị động

Sâu xám; Sâu cắn thân cây con; Sâu xám co mình khi bị động

– Sâu thường xuất hiện vào giai đoạn cây con và gây hại trầm trọng nhất ở những vùng đất nhẹ, đất cát nơi sâu non có thể vùi mình dễ dàng. Sâu non có tính giả chết, khi bị đụng vào chúng cuộn lại, lăn ra giả chết. Sâu đẫy sức hoá nhộng trong đất. Chúng phát sinh ở thời tiết lạnh, ẩm độ cao.

sâu xám hại cây trồng và cách phòng trị

Sâu xám (Agrotis ypsilon Rott) hại ngô

– Ở các tỉnh phía Bắc sâu xám hại nặng trên hoa màu (đặc biệt là cây ngô) trồng trong vụ đông xuân và vụ xuân. Hoa màu đông xuân gieo sớm đầu tháng 10 – giữa tháng 10 bị hại nhẹ hơn so với gieo vào cuối tháng 10 – giữa tháng 11. 

Biện pháp phòng trừ sâu xám hại cây trồng:

– Biện pháp canh tác, kỹ thuật:

+ Vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ dại trên ruộng và quanh bờ để hạn chế nguồn ký chủ phụ của sâu.

+ Cày ải phơi đất 2 tuần trước khi trồng để diệt trứng và nhộng hoặc cho nước ngập vào ruộng, ngâm khoảng 1 ngày đêm sau đó tháo cạn, để ráo ruộng trước khi gieo trồng.

+ Luân canh cây trồng: Sau vài vụ trồng ngô, rau, đậu… thì luân canh 1 vụ lúa hoặc các loại rau ưa nước như rau muống, rau cần… để diệt nhộng đang sống trong đất và cắt đứt nguồn thức ăn phù hợp cho sâu.

– Biện pháp thủ công:

+ Đối với những ruộng nhỏ, khi mật độ sâu thấp có thể bắt sâu bằng tay vào buổi sáng sớm hay chiều tối bằng cách bới đất quanh gốc cây bị sâu cắn để bắt sâu.

– Biện pháp sinh học:

+ Hạn chế phun thuốc để bảo tồn thiên địch trên đồng ruộng như nhện, bọ rùa, ong ký sinh…

+ Dùng bẫy bả chua ngọt để bẫy bướm. Cách làm bẫy bả chua ngọt: Trộn hỗn hợp gồm 4 phần đường + 4 phần dấm + 1 phần rượu + 1 phần nước. Cho vào trong bình đậy kín sau 3 – 4 ngày thì thêm vào 1% thuốc trừ sâu. Quấn giẻ hay bùi nhùi rơm rạ vào đầu gậy nhúng vào bả cắm trên bờ ruộng. Bướm trưởng thành sẽ bay vào ăn bả chua ngọt và bị chết. Cứ 2 – 3 ngày nhúng bả lại 1 lần.

– Biện pháp hóa học:

+ Xử lý đất trước khi gieo trồng bằng một số loại thuốc trừ sâu dạng bột như: Basudin 10G, Vibasu 10H, Furadan 3G, Regent 3G…

+ Dùng cám rang thơm trộn với thuốc Vibasu 10G để bẫy sâu. Trộn 2 kg cám với 0,5 kg thuốc, rải cho 1.000 m2 trước khi trời tối. Rải thuốc theo hàng hoặc hốc gần gốc cây.

+ Khi mật độ sâu cao, nên chọn các loại thuốc hỗn hợp có nhiều hoạt chất, nhiều tác dụng (tiếp xúc, vị độc, xông hơi, nội hấp, thấm sâu) hoặc phối hợp 2-3 loại thuốc trừ sâu có tác dụng khác nhau để diệt trừ sâu xám cho hiệu quả cao. Có thể dùng thuốc đơn: Basudin 50EC; Shecpain 36EC; Gottoc 250EC hoặc phối hợp hai loại thuốc khác nhau: Diptere 80WP + Karate 2,5EC; Sevin 40% + Sherpa 25EC; Ganoi 95SP + Abamectin 36EC, Regent 800WG + Sokupi 0,36AS… Phun vào chiều tối, nên cho thêm 10ml chất bám dính hoặc 20-30ml dầu khoáng hoặc 5 giọt nước rửa chén vào mỗi bình 8-12lít để tăng khả năng bám thuốc vào cơ thể sâu, sâu chết nhanh, nhiều hơn.

+ Lựa chọn một số loại thuốc hoá học đặc hiệu như: Padan 95SP; Regent 800WP vv… Sử dụng theo hướng dẫn của từng loại thuốc.

+ Dùng luân phiên các thuốc có hoạt chất Emamectin, Lamda-Cypermethrin với hỗn hợp Chlorantraniliprole + Abamectin…