Rầy xanh Update 04/2024

Ad by CNCT
Tên khoa học:
Empoasca sp.

Họ ve sầu nhảy: Jassidae

Bộ cánh đều: Homoptera

Đặc điểm hình thái và  sinh học của rầy xanh Empoasca sp.

 

Vòng đời rầy xanh Empoasca sp

 

Vòng đời rầy xanh (14 – 21 ngày) Empoasca sp và Rầy xanh Empoasca sp ấu trùng và trưởng thành.

– Trưởng thành (2 – 21 ngày): Thân dài từ 2,5 – 4 mm, màu xanh lá mạ. Đầu hơi hình tam giác, chính giữa đỉnh đầu có đường vân trắng, và hai bên có chấm đen nhỏ. Cánh trong mờ, màu xanh lục, xếp úp hình mái nhà.

– Trứng (5 – 8 ngày): Có hình hơi cong dạng quả chuối, dài khoảng 0,8 mm. Trứng mới đẻ màu trắng sữa, sắp nở có màu lục nhạt hay hơi nâu. Vòng đời của trứng từ 5 – 8 ngày

– Rầy non (9 – 11 ngày (mùa Xuân); 7 – 8 ngày (mùa Hè); 14 – 16 ngày (mùa Đông)): Rầy xanh non có 5 tuổi, tuy chưa có cánh nhưng gần giống trưởng thành. Rầy mới nở màu trắng trong suốt, dài 1 mm. Rầy càng lớn chuyển dần sang màu xanh. Cuối tuổi 5 cơ thể dài 2mm.

* Phân bố: Phân bố ở hầu hết các vùng trồng chè ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ…

* Phạm vi ký chủ: Gây hại chủ yếu trên cây chè, ngoài ra còn phá hại một số cây trồng khác như lúa, khoai tây, khoai lang, vừng (mè), bông, cà, thuốc lá…

– Nhiệt độ thích hợp của rầy xanh từ 23- 27oC

 – Rầy xanh còn là đối tượng trung gian truyền bệnh khảm (virus) cho cây.

Tập quán sinh sống và triệu chứng gây hại của rầy xanh Empoasca sp.

Rầy trưởng thành sợ ánh sáng trực xạ, cho nên phần nhiều rầy sống tập trung ở mặt dưới lá nên khó phát hiện, chích hút nhựa theo gân lá non làm lá xoăn lại chuyển màu hơi vàng, rìa lá bị cháy và mật số rầy cao sẽ làm cháy lá, cây suy yếu không phát triển, rụng hoa và trái non. Rầy xanh cũng là tác nhân truyền bệnh virus cho cây cây trồng. Rầy có xu tính với ánh sáng đèn yếu và có đặc tính bò ngang. Khi bị khua động rầy có thể nhảy, lẩn trốn nhanh chóng.

Triệu chứng rầy xanh hại chè

Triệu chứng rầy xanh Empoasca flavescens Fabricius hại chè

  • Rầy xanh hại cây chè

– Rầy non và rầy trưởng thành dùng vòi, hút nhựa búp non theo đường gân của lá non gây nên những nốt chấm đỏ như kim châm làm cho những mầm lá non cong keo lại và khô đi. Lá bị vàng, khô nóng sẽ bị khô gây “cháy rầy”, cằn cỗi, lá bị hại nhẹ có màu hồng tím, ở vụ Xuân khi búp chè có màu vàng tím hồng, là lúc này rầy non đang phát triển nhiều. Khi bị hại nặng đọt non bị cong, gặp thời tiết khô nóng các lá non bị hại khô dần từ đầu,mép lá trở vào và có thể khô tới ½ diện tích lá.

– Rầy trưởng thành đẻ trứng rải rác vào mô non cọng búp và gân chính của lá chè. Một búp chè thường có từ 2 – 3 trứng, có khi 6 – 8 trứng.

– Rầy non thường ẩn náu mặt sau các lá búp. Từ tuổi 3 trở lên hoạt động nhanh nhẹn hơn có thể bò và nhảy. Khi bị khua động nhẹ có thể ven theo cuống cọng búp chè bò xuống dưới.

– Rầy non và rầy trưởng thành dùng vòi hút nhựa ở búp non theo đường gân chính và hai đường gân phụ của lá non, gây nên những vết châm nhỏ như kim châm làm cho lá non bị tổn thương, việc vận chuyển nước và chất dinh dưỡng đến lá non bị trở ngại. Những lá này nếu gặp điều kiện khô nóng sẽ bị khô từ đầu lá và mép lá đến 1/2 lá. Phần còn lại trở lên cong queo cằn cỗi. Bị hại nhẹ lá có thể biến thành màu hồng.

– Mức độ phát sinh gây hại của rầy xanh tùy theo điều kiện sinh thái có khác nhau.

+ Nói chung các nương, đồi chè còn non thường bị hại nặng hơn các nương đồi chè già.

+ Nương chè có nhiều cỏ dại , ít chăm sóc cũng bị hại nặng.

+ Chè ở nơi khuất gió bị hại nặng hơn nơi thoáng gió.

+ Chè đốn phớt bị hại nặng hơn chè đốn đau.

+ Chè gần rừng cây bị hại nặng hơn chè xa rừng.

+ Chè trồng xem bị hại nặng hơn chè trồng thuần.

+ Giống chè Shan, Atxam trung du bị hại nặng hơn so với các giống chè Kì môn, chè Trung Quốc lá nhỏ, chè Manipua.

– Hàng năm rầy thường phát sinh gây hại vào hai thời vụ chính: tháng 3 – 5 và tháng 10 – 11.

– Trời mưa to, thời gian mưa kéo dài hoặc khô hạn không có lợi cho sự phát triển của rầy.

– Điều kiện thuận lợi cho rầy gây hại và sinh sôi nảy nở là lúc thời tiết chuyển từ lạnh sang nóng hoặc nắng mưa xen kẽ.

– Tác hại của rầy làm cho sản lượng và phẩm chất búp giảm nghiêm trọng. Chè con mới trồng, nhất là chè mới trồng được 4 – 5 tháng thì rầy làm khô đọt, cây cằn cỗi, chậm lớn; khi bị hại nặng kéo dài thì chè con có thể bị chết. Với cây chè lớn hơn (thời kỳ định hình tạo tán) ít thiệt hại hơn.

– Trong một năm ở Miền bắc Việt Nam trên nương chè có thể có đến 10 thế hệ rầy xanh sống nối tiếp nhau gây hại cây chè và cây kí chủ khác, trong đó có 2 cao điểm mật độ cao gây hại nhiều trên cây chè trong năm là tháng 3-5, tháng 9-11. Ở Bảo lộc Lâm đồng rầy xanh gây hại trong mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 8.

– Trong các giống đang trồng hiện nay, giống PH1 bị hại nặng nhất, tiếp đến là giống Trung du và TRI 777.

– Các giống chè Shan, Trung du, TRI 777 nhiễm rầy xanh nặng hơn các giống PH1 và đại bạch trà.

Kẻ thù tự nhiên của rầy xanh Empoasca sp.

+ Các loài bọ cánh cứng: bọ rùa đỏ (Micraspis discolor Fabr.), bọ rùa hofmani (Scymnus hoffmani Weis.), bọ rùa đen nhỏ (Stethorus sp.), kiến ba khoang (Paederus fuscipes Cur.), bọ cánh cộc (Oligota sp.),

Kiến ba khoang diệt rầy xanh

Kiến ba khoang tấn công rầy xanh

+ Các loài nhện ăn thịt: nhện xám trắng, nhện đen, nhện chân dài,…

+ Một số loài chuồn chuồn ăn rầy xanh non và trưởng thành.

+ Một số loài ong ký sinh trứng rầy.

Phương pháp điều tra rầy xanh Empoasca sp.

– Điều tra theo phương pháp 5 điểm chéo góc.

– Dùng khay có dầu: 20x 20x 5cm, đặt khay nghiêng một góc 450 dưới tán chè và gõ mạnh vào cây chè 3 lần hay vỗ nhẹ vào tán cây chè đếm số rầy các loại trên khay.

– Chỉ tiêu điều tra, theo dõi con/khay.

Biện pháp phòng trừ rầy xanh Empoasca sp.

Thực hiện phòng trừ rầy xanh hại chè và các cây trồng khác bằng biện pháp phòng trừ tổng hợp như sau:

  •  Biện pháp canh tác, cơ giới:

– Tiêu huỷ triệt để tàn dư cây trồng, tưới đủ ẩm cho ruộng trồng.

– Chăm sóc cây trồng khỏe mạnh (trồng mật độ vừa phải, bón phân cân đối…) giữ ruộng sạch cỏ, tránh trồng xen hoặc xung quanh ruộng các cây ký chủ của rầy xanh.

– Đốn, hái chè đúng kỹ thuật, đúng thời điểm tránh búp chè ra đúng thời điểm rầy rộ. Thu hái búp chè khi rầy rộ để hạn chế trứng rầy.

– Hái thường xuyên (hái san trật) khi búp chè đạt tiêu chuẩn sẽ làm giảm đi các vị trí phù hợp cho rầy đẻ trứng và các búp chè hái sẽ mang nhiều trứng rầy chưa kịp nở từ nương chè. Bằng cách làm thường xuyên như vậy sẽ loại bỏ trứng rầy và mật độ rầy xanh gây hại trên nương sẽ giảm đi đáng kể.

– Trồng các cây che bóng cho nương chè sẽ làm tăng độ ẩm cho gốc chè, cung cấp nơi cư trú cho các loại thiên địch… sẽ góp phần làm giảm tác hại của rầy xanh trên nương chè.

– Người trồng chè phải thường xuyên kiểm tra nương chè để phát hiện, đánh giá để có các quyết định kịp thời. Hàng năm có hai giai đoạn thời tiết và cây trồng phù hợp cho rầy xanh phát triển là tháng 3 – 5 và tháng 9 -12.

  •  Các biện pháp sinh học:

– Bảo vệ các loài thiên địch trên đồng, ruộng, nương.

– Hạn chế sử dụng thuốc hóa học, nếu cần thiết chỉ nên sử dụng các thuốc ít độc, có phổ tác động hẹp, ít ảnh hưởng đến thiên địch.

– Nghiên cứu áp dụng việc nuôi lượng lớn một số loài bắt mồi ăn thịt (bọ rùa, kiến ba khoang (Paederus fuscipes Cur.), nhện nhỏ Amblyseius sp.,…) và thả vào hệ sinh thái cây chè.

  • Các biện pháp hóa học:

– Khi dùng thuốc hoá học phải tuân theo nguyên tắc 4 đúng. Các hoạt chất và thuốc thương phẩm tương ứng có thể tìm thấy trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt nam. Trước khi sử dụng xem kỹ hướng dẫn trên nhãn thuốc.

– Khi thật cần thiết phải sử dụng thuốc trừ sâu để phun trừ rầy xanh, nên chọn các loại thuốc phổ tác động hẹp, thời gian cách ly ngắn, ít gây độc hại cho các loại thiên địch hoặc dùng thuốc trừ sâu thảo mộc.

– Chỉ phun thuốc hoá học trừ rầy xanh hại chè khi điều tra thấy mật độ rầy xanh vượt quá ngưỡng: 5con/ khay.

– Sử dụng một trong các loại thuốc có chứa các hoạt chất sau: Acetamiprid, Thiamethoxam, Buprofezin, Pymetrozine, Nitenpyram, Chlorpyrifos…