Quy trình ép ra hoa nghịch vụ trên cây cam sành Update 04/2024

Mùa thuận ra hoa của cây cam sành vào tháng 2 dương lịch. Tuy nhiên nếu theo mùa thuận thì lượng cam sành cung ứng thị trường nhiều làm giảm giá thành, dẫn đến tình trạng “được mùa mất giá”. Vậy để kéo giản thời gian cung ứng cam sành trong năm, nhiều nhà vườn áp dụng kỹ thuật ép ra hoa nghịch vụ trên cây cam sành. Với ưu điểm là giữ được giá và thị trường tiêu thụ của cam sành, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Kỹ thuật ep ra hoa trên cây cam sành.

Cách ép ra hoa nghịch vụ trên cây cam sành? Khi nào nên xử lý ra hoa trên cây cam sành? Cần làm gì để xử lý ra hoa cho cây cam sành? Chăm sóc cây cam sành giai đoạn xử lý ra hoa?

Quy trình ép ra hoa nghịch vụ trên cây cam sành được tiến hành trong khoảng 20 ngày. Những bước cần thực hiện ép ra hoa trên cây cam sành gồm bón cắt tỉa, vệ sinh vườn, bón phân, xiết nước, phun ủ mầm hoa, khi cây nhú mầm hoa thì chuyển sang chăm sóc giai đoạn ra hoa đậu quả trên cây cam sành.

1. Thời điểm thích hợp xử lý ép ra hoa trên cây cam sành

– Đối với mùa thuận thì cây cam sành sẽ ra hoa vào tháng 2 dương lịch. Nhưng khi ép ra hoa thì thời điểm ép cây phụ thuộc vào thời điểm thu hoạch tính ngược lại 7 tháng. Ví dụ thời điểm thu hoạch vào tết âm lịch (tháng 2 dương lịch) thì tiến hành ép ra hoa vào đầu tháng 6, cây ra hoa khoảng tháng 7 dương lịch.

– Cần căn cứ vào thực tế thời tiết để quyết định ép cây cam sành ra hoa. Khoảng thời gian xử lý ép ra hoa cần đảm bảo không có mưa to trong khi xiết nước tạo khô hạn cho cây khoảng 20 ngày.

– Cây cam sành chỉ mang hoa trên cành trên 1 tuổi vì vậy để kéo dài tuổi thọ cây thì nên ép ra hoa đối với cây trên 3 năm tuổi. Cây có đủ bộ khung tán, khỏe mạnh, không bị sâu bệnh hại hay không bị suy cây do mang trái vụ trước đó.

2. Xử lý vườn cam trước khi xử lý ép ra hoa

– Sau khi thu hoạch xong cần tiến hành tỉa bỏ trái xấu còn lại. Cắt tỉa cành yếu, sâu bệnh. Dọn vệ sinh vườn cây sạch rồi tiến hành phun phòng ngừa sâu bệnh hại cho cây.

– Bón phân gốc cho cây: Lượng phân bón tính trên 1 gốc, cây trên 3 năm tuổi: Dùng phân ure 200 gram + 100 gram DAP + 20-30 kg phân hữu cơ (hoặc 10 kg phân hữu cơ vi sinh). Có thể lựa chọn các dòng phân bón có hàm lượng đạm cao như NPK 20-20-15, …. Liều lượng bón theo khuyến cao của nhà sản xuất. Khi bón xong cần tưới nước cho phân tan hoàn toàn, tạo điều kiện cho cây hấp thụ hết phân bón.

– Kết hợp phun một số dòng phân bón lá cùng thuốc phòng trị sâu bệnh hại cho cây cam sành. Lựa chọn các dòng phân bón lá có hàm lượng đạm cao để phun. Nhằm kích thích bật chồi, phục hồi nhanh cho cây cam sau thu hoạch.

Phủ nilong đậy liếp xử lý ra hoa trên cây cam sành.

3. Kỹ thuật ép ra hoa trên cây cam sành

– Được thực hiện sau khi hoàn thành phục hồi sau thu hoạch ít nhất 2 cơi đọt, lá cơi đọt chuyển sang lá lụa thì có thể tiến hành thực hiện ép cây ra hoa.

– Trước khi xử lý ép ra hoa khoảng 5 ngày tiến hành bón phân làm già đọt. Chọn lựa phân bón có hàm lượng kali và lân cao để bón. Có thể dùng phân NPK có hàm lượng kali và lân cao. Hay phối trộn phân đơn với tỷ lệ kali: lân là 1:5 (cứ 10 kg kali trộn với 50 kg lân). Lượng bón tùy vào sức khỏe của cây. Đối với cây trên 3 năm tuổi bón lượng từ 200-300 gram/ gốc. Cây càng sung thì tăng kali giảm lân. Bón phân xong tưới nước cho phân bón tan hoàn toàn để cây hấp thụ phân bón giúp đọt phát triển nhanh chuyển lá lụa.

– Tiến hành xiết nước sau khi bón phân 5-7 ngày,tạo khô hạn cho cây khoảng 10-15 ngày. Để đảm bảo xiết nước thành công cần dùng nilong đậy liếp tránh trường hợp gặp mưa.

 – Xiết nước được 4-5 ngày thì phun ủ mầm hoa bằng một số hoạt chất ức chế như Thioure, Mepiquat Chloride, … có thể kết hợp với các dòng phân bón lá có hàm lượng lân cao như MKP, 10-50-10, … để kích thích hình thành, ra hoa đồng loạt.

– Sau xiết nước 15 ngày, quan sát đến khi nào cây ra cựa bông thì bắt đầu tưới nhấp nước từ từ để cung cấp độ ẩm cho cây phát triển nuôi mầm hoa. Lưu ý không được đưa nước nhiều sẽ làm cây sốc nước gây hiện tượng rụng hoa.

– Khi cây cam nhú cựa bông ra hoa được 5 ngày thì bón phân bón gốc bổ sung dinh dưỡng cho cây cam và chuyển sang giai đoạn nuôi hoa đậu quả.